Điều lạ là Vinh đã ở tuổi ngoài 60. Đã xong trách nhiệm của một đời công chức và có thể mãn nguyện với sự nghiệp của mình. Vậy mà cái giấc mơ đeo đuổi từ mấy chục năm nay thi thoảng lại hiện về trong giấc ngủ, khiến anh phải ngồi lên, trằn trọc. Khi thì là một bài tập không giải được. Lúc lại là một khoảng trống trong vở ghi bài, chứng tỏ chủ nhân của nó đã có một thời gian dài không đến lớp… Và luôn luôn là một cảm giác có lỗi, ân hận, lo lắng vì không làm tròn trách nhiệm của một người học trò.
Của đáng tội, giấc mơ không ảnh hưởng gì lắm ngoài chuyện làm Vinh mất ngủ, rồi lại ngồi nhớ lại những kỉ niệm thuở học trò trong phần còn lại của đêm. Thật ra nói không ảnh hưởng gì thì cũng không hoàn toàn chính xác. Hồi còn trẻ, có lần thấy Vinh cứ mơ ú ớ xong rồi ngồi dậy ra ngoài hút thuốc, lục xục mãi không ngủ lại được, vợ anh sinh nghi. Ngọc căn vặn, dò hỏi, xem ra có vẻ ngờ anh có quan hệ ngoài luồng, vợ bé con thêm gì đó. Đến khi anh buộc phải kể lại giấc mơ thì chị phì cười, mắng yêu: Anh đúng là hay nghĩ chuyện tầm phào! Đến lúc giấc mơ đã tái diễn nhiều lần, lắm hôm chứng kiến chồng hốt hoảng, mồ hôi đầm đìa trong cơn mê, chị đâm lo lắng, nằng nặc bắt anh phải đi khám chuyên khoa thần kinh.
Mọi xét nghiệm thăm khám đều cho kết quả bình thường. Một chuyên gia tâm lý cho là có chút ẩn ức gì đó. Ông nói, chuyện một giấc mơ cứ lặp đi, lặp lại trong suốt một thời gian dài, thậm chí là cả một quãng đời là chuyện thường gặp, khi người ta bị một điều gì đó ám ảnh. Mấy chục năm trước, ông từng quen một nhà thơ, mà là nhà thơ tình. Nhà thơ ấy hay mơ thấy bị mất cắp xe đạp. Giải mã giấc mơ đó là ông cả một đời làm công chức, đến lúc gần về hưu mới được mua theo giá cung cấp một chiếc xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc. Thời bấy giờ, chiếc xe đạp là cả một gia tài, người ta còn cấp cho mỗi chiếc xe đạp một biển kiểm soát như với ô tô, xe máy hiện nay. Và chuyện bọn đạo chích cắt khóa, trộm xe nói theo tiêu đề một cuốn tiểu thuyết dịch ăn khách hồi đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đã thế, trong gia đình nhà thơ lại cũng từng có người bị mất xe đạp. Vậy là giấc mơ chẳng lành về chuyện mất xe đạp cứ đeo bám ông nhà thơ ấy suốt, đến mức thành quen. Lâu lâu không thấy, ông lại khôi hài: Dạo này lâu không nằm mơ mất xe, chẳng được hưởng niềm vui khi tỉnh dậy, nhìn ra thấy xe vẫn dựng cạnh tường! Những giấc mơ tương tự không hiếm gặp ở những con người từng trải qua một thời khốn khó. Một bà nội trợ ở tuổi trên 60, gia cảnh đàng hoàng thi thoảng vẫn nằm mơ bị mất hết cả tem phiếu, bà khác luôn mơ thấy mình đánh mất sổ gạo… Chia sẻ với bạn bè, Vinh mới biết là không phải chỉ riêng mình ở trong tình trạng như vậy. Có anh giờ đã là thiếu tướng, nắm cả ngàn quân, thỉnh thoảng vẫn mơ thấy mình tè ra quần trong lần xung trận đầu tiên…
Thật ra cũng chẳng phải nhờ đến chuyên gia tâm lý hay bác sĩ thần kinh. Với sự mẫn cảm của người làm công tác nghiên cứu một chuyên ngành liên quan nhiều đến tâm lý con người như Văn học, Vinh cũng có thể hiểu được nguồn cơn những giấc mơ của mình…
Buổi chia tay những cậu trai lên đường nhập ngũ của lớp 10C thật ấm áp, cảm động. Thầy chủ nhiệm, một giáo viên môn văn không nói với các cậu học trò của mình những lời to tát như kiểu “xếp bút nghiên lên đường cứu nước”. Ông nói mà như tâm sự với ba chàng trai trẻ: Thầy và các bạn luôn nhớ và mong các con trở về. Thầy cũng được cấp trên thông báo, những học sinh lên đường sẽ được xét tốt nghiệp Cấp III đặc cách. Khi trở về, các con có thể thi vào đại học, hoặc một trường chuyên nghiệp nào đó…
Thay mặt hai bạn cùng lên đường, Hậu đứng lên cảm ơn thầy và các bạn, hứa sẽ cố gắng để không phụ niềm tin của thầy, của bạn. Ngập ngừng một chút, Hậu nói thêm:
- Mình cũng nhờ các bạn còn ở lại, học hộ cả phần của chúng mình. Nếu còn trở về…
Như chỉ chờ có vậy, lũ con gái òa lên khóc làm không khí buổi chia tay mềm hẳn đi…
Ngay khi Vinh trở về từ chiến trường, thầy chủ nhiệm đã tới với anh. Với ông, Vinh không chỉ là một học sinh bình thường như bao học trò khác mà ông từng dạy dỗ. Là giáo viên chủ nhiệm, ông hiểu rõ hoàn cảnh của cậu học sinh yêu thích và học giỏi môn văn của ông. Biết Vinh thiệt thòi thiếu sự dìu dắt của người cha sớm qua đời, ông đối với anh bằng tình cảm vừa của một người thầy, người cha. Ông tiếc nuối khi trước ngày đi thi học sinh giỏi văn cấp thành phố, Vinh đã nhận tờ giấy báo lên đường nhập ngũ. Ông thật sự vui mừng khi Vinh trở về từ chiến trường, dù phải mang trên mình một vết thương. Ông mang ngay đến cho cậu học trò cưng tấm giấy chứng nhận tốt nghiệp đặc cách Cấp III, một chứng chỉ để Vinh có thể ôn thi vào đại học.
Vốn say mê và học giỏi môn văn, lại được sự rèn cặp hết lòng của thầy, Vinh đã nhanh chóng bù lại những thiếu hụt về kiến thức và dễ dàng thi đậu vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp mà anh hằng mơ ước...
Ông Trời dường như đã chọn Vinh làm chỗ để thực thi luật bù trừ. Sau những khó khăn, thử thách đầu đời nơi hòn tên mũi đạn, cuộc đời của anh cứ thế theo đà thăng tiến. Ra trường, với lý lịch từng chiến đấu và bị thương trong chiến tranh, đảng viên được kết nạp ở chiến trường và tấm bằng đỏ, anh được nhận về làm việc ở một viện nghiên cứu về Văn học. Thế rồi, những chuyến đi nghiên cứu ở nước ngoài, tấm bằng phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ… cứ đến hẹn lại lên. Cuối cùng, Vinh về hưu với cương vị Vụ trưởng ở một cơ quan quản lý văn hóa văn nghệ trung ương. Cuộc đời anh, như người ta hay nói, tuy không cao nhưng mọi người phải ngước nhìn. Mọi việc vậy là viên mãn, ít nhất theo thước đo của xã hội bây giờ. Vậy mà, những giấc mơ vẫn chưa từ bỏ…
Đã có lần, Vinh tâm sự với đám bạn bia giấc mơ và suy nghĩ của anh về nó. Cả mấy người phá lên cười như cười một gã lẩn thẩn. Lực, một ông chủ thầu xây dựng ăn nên làm ra nâng cốc triết lý:
- Cứ như ông thì cả xã hội này đều nằm mơ. Bao nhiêu thằng học giả, bằng thật, ăn cắp luận văn, hoặc lo lót, chạy chọt để có một tấm bằng, có những kẻ chưa một ngày đến lớp, thậm chí nói ngọng lứu, ngọng lô mà cũng vênh vang với bằng này bằng nọ thì đêm đêm chắc các khu chung cư cao cấp, các tòa biệt thự, biệt phủ… chẳng được yên vì những tiếng la hoảng do ác mộng. Rồi còn những kẻ dùng mưu hèn, kế bẩn hại anh em đồng đội, thọc gậy bánh xe… nữa. Thôi, cạn cốc và hãy cứ yên tâm, mà an hưởng những gì ông trời đã bù đắp…
Vinh biết khó mà tìm được sự đồng cảm của lũ bạn bia hồn nhiên, thực dụng ấy. Một lần, khi Thầy giáo của anh chưa mất, anh mang câu chuyện về những giấc mơ tâm sự cùng ông. Nghe xong câu chuyện, rót thêm nước trà vào tách cho Vinh, ông trầm ngâm:
-Giấc mơ ấy chẳng phải là điều gì không tốt. Nói anh đừng giận - từ ngày Vinh ra trường, đi làm, thày đổi cách xưng hô, không gọi học trò yêu của mình bằng con như trước - nghe anh kể thày lại thấy yên tâm. Như vậy là anh vẫn còn có điều gì đó chưa tự bằng lòng với mình, vẫn còn một chút áy náy. Con người ta đáng sợ nhất là lúc tự thấy mình quá hoàn hảo, tài giỏi, coi những gì mà cuộc đời ban tặng là lẽ đương nhiên. Còn băn khoăn, áy náy, là còn muốn sống cho tốt hơn Vinh ạ. Thầy ước tất cả những người đang giữ vai trò cầm cân nảy mực trong xã hội này có chí ít một giấc mơ như thế…
Đêm nay giấc mơ quen thuộc lại trở về. Trong giấc mơ, có cả cô bạn gái hồi lớp 10, với ánh mắt nghiêm khắc vì cậu bạn thân không chịu học bài. Đã bỏ thuốc từ lâu, Vinh dỗ lại giấc ngủ bằng cách mở chiếc smartphone xem những hình ảnh thời học trò mới chụp lại từ những tấm ảnh gốc phai màu thời gian. Bạn bè kẻ còn người mất. Thậm chí có người còn không có cơ hội quay về để nhận tấm bằng tốt nghiệp đặc cách như một ân huệ thuở nào. Tự nhiên, Vinh nhớ lại câu nói đùa của ông nhà thơ về giấc mơ mất xe đạp. Chí ít thì giấc mơ cũng cho anh một cảm giác nhẹ nhõm khi thức giấc. Thật tiếc nếu không còn những lần tỉnh dậy như thế. Mình sẽ ra sao nếu bây giờ tự nhiên giấc mơ ấy không trở lại? Chắc là vợ anh cùng đám bạn bia sẽ lại cười vỡ bụng vì cái ý nghĩ này. Vinh khe khẽ thở dài và chợt nhớ đến Thầy…
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment